Chùa Tiêu nổi tiếng tại Bắc Ninh vì không có hòm công đức, cấm đốt vàng mã, dâng cúng rượu thịt. Ở đây còn có điều bí ẩn gì khác? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Di tích lịch sử chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh)
Chùa Tiêu Sơn (chùa Tiêu) có tên chữ là Thiên Tâm Tự, xưa còn có tên là chùa Lục Tổ, nằm ở sườn núi Tiêu (Từ Sơn, Bắc Ninh), dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ.
Theo lịch sử, chùa Tiêu Sơn đã có từ rất lâu đời. Đến thời nhà Lý, Bắc Ninh trở thành một trung tâm Phật giáo Kinh Bắc và chùa được nhà sư (Quốc sư) Lý Vạn Hạnh chủ trì.
Đây còn là nơi Thiền sư Vạn Hạnh đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn thành tài, lập nên vương triều nhà Lý và nền văn minh Đại Việt cách đây hơn 1.000 năm.
Khi Lý Công Uẩn được 3 tuổi đã được mẹ đem lên chùa Tiêu gửi Thiền sư Lý Vạn Hạnh nuôi dạy từ thơ ấu cho tới lớn khôn trưởng thành, sau trở thành bậc Minh Vương khai lập nền văn minh Đại Việt.
Nhớ công ơn Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Thăng Long, Hà Nội, tại chùa hiện nay còn lưu giữ bản Chiếu dời đô.
2. Ngôi chùa không có hòm công đức duy nhất tại Việt Nam
Chùa Tiêu Sơn Bắc Ninh nổi tiếng là ngôi chùa không có hòm công đức duy nhất ở Việt Nam.
Nhiều người đến đây đã biết đến thủ tục không đặt tiền lễ, nhưng cũng có nhiều người chưa biết.
Do đó, nhà chùa bố trí mỗi gian thờ có một người ngồi nhìn khách đến chiêm bái, để ý xem người đó đặt bao nhiêu lễ trên ban, sau khi người đó ra khỏi gian thờ thì có trách nhiệm cầm gửi lại tiền lễ, hoặc công đức ở những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
Ngôi chùa chỉ nhận tiền công đức khi đang xây dựng cơ sở vật chất cho chùa, lúc nào nhà chùa xây dựng, cải tạo sẽ kêu gọi người dân công đức sau.
3. Bí ẩn về tượng xác 300 năm không phân hủy tại chùa Tiêu Sơn
Chùa Tiêu Sơn gắn với một vị thiền sư còn nhiều bí ẩn, có công dựng nên nhà Lý, tạo ra một triều đại rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Thế nhưng, du khách đến chùa, lại không thể không chiêm bái thiền sư Như Trí, người đã để lại nhục thân bất hoại trọn 300 năm - từng trụ trì ở ngôi chùa này.
Theo lịch sử, thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên. Người đã từng khắc in lại bộ Thiền Uyển Tập Anh - bộ sách có giá trị đặc biệt về lịch sử Phật giáo và văn học, triết học, văn hóa dân gian.
Thiền sư Như Trí cùng người thầy Chân Nguyên của mình tiếp nối tinh thần phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Sau khi mãn duyên độ sinh, Ngài nhập thất kiết già và để lại nhục thân bất hoại hay còn gọi là toàn thân xá lợi cho đời sau.
Đây được xem là một trong bốn pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức Thiền Táng hay còn gọi là Tượng Táng.
Nếu không có sự kiện một người chăn trâu mò lên tháp tìm của quý, chọc thủng mắt pho tượng thiền sư Như Trí, sẽ không ai phát hiện ra nhục thân của Ngài.
Năm ấy, một người đàn ông trong làng, khi thả trâu trên núi Tiêu, đã mò lên tháp Viên Tuệ với ý định tìm vàng bạc. Sau khi gỡ mấy viên gạch, ông nhìn thấy một pho tượng giống hệt một người còm nhom đang ngồi trong tháp.
Vì tò mò, ông ta đã lấy cây gậy chọc thủng một mắt vị thiền sư đã an tọa gần 300 năm trong tháp gạch rêu phong.
Lời đồn thổi về một nhà sư chết ngồi trong tháp rất linh thiêng lan truyền khắp xóm sau khi người đàn ông này gây ra chuyện tự dưng ông ta bị bệnh trọng.
Với sự thay đổi của thời tiết và sự xâm hại của vi khuẩn, lẽ ra toàn thể nhục thân của ngài đã phải về với cát bụi, thế nhưng, vì sao ngài vẫn còn nguyên vẹn? Câu hỏi này chưa có lời giải đáp.
Hàng năm, du khách thập phương về đây lễ chùa rất nhiều. Về đây, họ không chỉ được tìm hiểu về không gian lịch sử, trung tâm của Phật Giáo cổ xưa mà còn thấy tâm hồn an yên, thư thái lạ kỳ.
Thủy Thủy (TH)